Trang chủ Tin tức
Ngẫm Chuyện đời quanh chén nước mắm
Hình như bất cứ ai là người Việt Nam thì cũng phải biết đến cái chén nước mắm hay ít nhất cũng là vài lần trong đời nghe "mùi hương" nước mắm.

Tôi cũng thế, cho đến khi gặp một người bạn Mỹ đã bỏ gần 10 năm nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Khi tôi hỏi: "Ông tìm thấy điều gì thú vị về văn hóa Việt Nam?", ông trả lời một câu... mặn chát: "Chén nước mắm!". Dĩ nhiên là cái chén nước mắm đặt giữa bàn ăn của người Việt trong mỗi bữa ăn. 

Theo vị "giáo sư văn hóa ẩm thực" Brown này, chính cái chén nước mắm đặt giữa bàn ăn thể hiện tinh thần cộng sinh (có lẽ cũng là... "cộng hưởng", hi hi) cao nhất của người Việt, vì muỗng đũa, chén dĩa, thức ăn có thể gắp riêng nhưng đều phải "qua" chén nước mắm thì mới thành món ăn thật sự.

Cái chén nước mắm "văn hóa" ở chỗ mọi người đều chỉ dùng đủ phần mình trong mỗi bữa ăn, không tranh thêm bớt gì cả (mặn thấy cha, ai muốn lấy chi cho nhiều). Ăn cá, ăn tôm, ăn canh hay ăn lẩu cũng có chén nước mắm, rồi không có thịt cá thì cũng nước mắm chấm rau luộc... Nghĩ mà thấy nể cái thằng cha "ngoại bang" đã có một công trình nghiên cứu và kết luận rất "mặn mà" về tinh thần cộng đồng trong bữa ăn của người Việt.

Thế nhưng còn những điều quanh chén nước mắm mà cha Brown này nghiên cứu suốt đời cũng không thấu nỗi chuyện người miền Tây đi cấy hay ăn cơm với "nước mắm kho quẹt" vậy. Một phần là để chống lạnh, phần vì cũng... không có tiền để mua fast food mang theo ra đồng, vậy là lấy nước mắm kho quẹt ăn cho "chắc bụng".

Rồi người dân miền biển khi lặn sâu đánh bắt cá tôm cũng uống hay ngậm một ngụm nước mắm để chống lạnh và sức nước ép - dễ làm chảy máu lổ tai như chơi. Đó là những công dụng kỳ diệu của nước mắm mà chỉ có thằng Đại Cồ Việt như tui mới hiểu, chứ giáo sư U.S thì thua.

Còn nhớ có lần đi quay video clip với Cẩm Ly ở tận miền Trung, thuê một cái nhà - đúng hơn là cái "chòi" - để quay. Đến giờ cơm, thấy bà lão cùng mấy đứa cháu mang ra một con cá bằng hai ngón tay và một... tô nước mắm to đùng, xong cả nhà xúm lại "xé xác" con cá tan tành rồi bỏ vào tô nước mắm, xem như là nó "chết mất xác" vậy.

Tôi hỏi sao không dẻ từng miếng cá ra mà chấm nước mắm, lại làm "qui trình ngược" như vậy. Bà lão đáp: "Ở trong Nam, cá mắm dư dả nên lấy cá chấm nước mắm - chủ yếu để ăn cá - còn ở đây heo hút nên nước mắm là món... ăn chính, còn con cá chỉ để "nêm" cho có mùi vị cá mà thôi. Nếu để ngoài mâm, tụi nhỏ dẻ một đũa là hết".

Qua cái chén nước mắm mà cũng có thể hiểu được đời sống của người dân hai miền, dù "công năng" của nước mắm muôn đời vẫn là để... chấm.

Chiều nay, ngồi ăn dĩa bánh ướt, cũng có chén nước mắm, dù đã được chế biến thêm đường, bột ngọt, và gia vị ngoại nhập lung tung nhưng cũng không thấy nước mắm "ngọt" thêm tí nào. Nhớ chuyện "bà lão và tô nước mắm" ở miền Trung, chợt thấy cuộc đời sao còn quá nhiều vị mặn.

Tin tức khác
ÙNG HỘ QUỸ VÌ NGƯỜI NGHÈO -
20/10/2022
Với mong muốn giúp đỡ và kết nối sứ mệnh cùng MTTQ, các doanh nghiệp trong việc hỗ trợ người nghèo; tối 19/10 vừa qua tại Đài truyền hình TP.HCM, đại diện công ty - Chủ tịch HĐQT - bà Nguyễn Thị Ngọc Dung hân hạnh góp mặt và đóng ...
Ngẫm Chuyện đời quanh chén nước mắm
21/10/2021
Hình như bất cứ ai là người Việt Nam thì cũng phải biết đến cái chén nước mắm hay ít nhất cũng là vài lần trong đời nghe "mùi hương" nước mắm.
HỆ THỐNG PHÂN PHỐI

Sản phẩm Hưng Việt đã có mặt tại rất nhiều Hệ thống siêu thị lớn ở Tp Hồ Chí Minh cũng như nhiều tỉnh thành khác.

ĐỐI TÁC
Thương hiệu

Click đến website các thương hiệu